Quần Cam

Chuyện phát âm

Bài viết này tác giả xin được xưng tui cho nó Nam bộ.

Mấy tuần trước tui có theo dõi video Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt của thầy Dan Hauer, nói chung cũng có kẻ khen người chê.

Riêng tui thấy con đường học tiếng Anh của người Việt sao mà khổ trăm bề. Mang tiếng được học tiếng Anh 7, 8 năm phổ thông nhưng khi ra trường, nhiều học sinh còn chả phát âm được chữ student cho ra hồn, chứ đừng nói là giao tiếp.

Trước hết nói cho rõ ràng, thời buổi này bạn phải biết tiếng Anh, nếu muốn có một vé đến với văn minh thế giới. Không phải chỉ vì Tiếng Anh được hơn 50 nước và gần hai tỉ người sử dụng làm ngôn ngữ chính thức (trùng hợp là họ rất giàu), mà còn là hầu như các công trình nghiên cứu, sách báo khoa học đều được viết bằng tiếng Anh, ta phải học ngôn ngữ của họ để giao tiếp với họ và học hỏi kiến thức từ họ.

Nếu bạn thắc mắc về việc dân Nhật cũng dở tiếng Anh mà khoa học kĩ thuật của họ vẫn đứng đầu thế giới, thì tui từng nghe một người bạn làm việc ở Nhật nói là rất nhiều sách báo khoa học kĩ thuật được dịch tuốt sang tiếng Nhật. Thật đáng tiếc là cha ông người Việt không để lại cho chúng ta những di sản đó.

Bản chất của việc giao tiếp là ta cố hiểu những gì họ nói và làm cho họ hiểu những gì ta nói. Với nhiều người Việt thì vế sau khó hơn.

Tui từng gặp khá nhiều bạn từ các nước khác nói tiếng Anh bập bẹ nhưng vẫn giao tiếp khoẻ re, bởi dù bập bẹ tụi nó vẫn phát âm chữ nào ra chữ nấy rõ ràng, chữ nào không biết thì xài vốn có sẵn là body language. Còn phát âm kiểu người Việt thì tương tác vô phương, tui nghe một bà chị kể lại lúc mới qua Mĩ vô siêu thị hỏi trứng ở đâu mà hết nửa buổi viết ra giấy người ta mới hiểu, té ra bả cứ đọc eggét.

phien-am-tieng-viet

Chuyện người Việt phát âm dở phần lớn là nhờ công Bộ Giáo Dục, ở phổ thông người ta không dạy tiếng Anh để giao tiếp mà dạy để thi cử. Chắc lý luận của người ta là có học thì phải có thi, mà thi thì thi viết là dễ chấm điểm cào bằng nhất, rồi từ đó cứ đè đầu học sinh ra học ngữ pháp mà tiến tới. Còn chuyện sau khi thi xong học sinh sử dụng tiếng Anh ra sao thì cho ba má nó tự lo, thành tích thi đua trước mắt đã.

Phần khác tui nghĩ là do thầy cô dạy dở, xin lỗi nếu làm mọi người chạnh lòng mà thầy cô dạy dở thiệt. Xuyên suốt thời phổ thông tui được dạy tiếng Anh bằng tiếng Việt, chưa bao giờ tui được thử giao tiếp bằng tiếng Anh trong lớp, tới lúc đi thi thì tui ôn ngày ôn đêm một đống cấu trúc dạng S + V(s/es) + O.

Mà có vẻ như gốc tiếng Việt cũng có ảnh hưởng tới phát âm của người Việt. Lớp học tiếng Thuỵ Điển của tui có một chú người Việt đã sang 5 năm, chú có vẻ biết khá nhiều từ vựng nhưng vẫn học chung Kurs C cho … người mới bắt đầu như tui. Tui đoán mò là tại chú phát âm tệ quá, cuối khoá thi hoài người ta vẫn không cho đậu, tới nỗi truyện Romeo Juliet mà chú đọc cứ như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thì … thôi bó tay.

Bài viết này có giúp tui tăng lương không?

Như thường lệ, chân thành mà nói thì không. Nhưng mà tui sẽ chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ của tui.

Nhiều người đã nói điều này nhưng tui xin phép lặp lại, cách học phát âm tốt nhất là bắt chước. Để bắt chước trước hết bạn phải chọn cho mình một khuôn mẫu. Bạn thích giọng Anh, Mĩ, Úc hay Việt gì cũng được, miễn là xác định lặp đi lặp lại khuôn mẫu đó. Tui ví dụ như lần đầu nói chuyện với các bạn Ấn, tụi nó phát âm rất khó nghe nhưng từ từ cũng hiểu, bởi vì phát âm của Ấn có khuôn mẫu, như chữ tr lúc nào tụi nó cũng phát âm như vậy.

Nhiều bạn thích học ngoại ngữ theo chứng chỉ, tui google thấy có nhiều chỗ còn tuyển giáo viên IELTS. Nghe cũng hợp lý, thời buổi này nói mồm ai tin, giơ chứng chỉ ra rồi nói chuyện tiếp. Nhưng mà suy cho cùng thì, học ngoại ngữ là để giao tiếp. Bạn thi chứng chỉ 7.5 mà người ta hỏi How was your weekend? bạn phải ngồi ráp cấu trúc cho đúng ngữ pháp rồi mới trả lời thì … hết tuần bà nó rồi.

Cách học ngoại ngữ nhanh nhất là sử dụng nó. Dùng nó mọi lúc mọi nơi, dùng nó để suy nghĩ thì càng tốt.

Đừng học theo sách, thường lúc sách giáo khoa tới tay bạn là lúc nó đã lỗi thời. Điển hình là sách tiếng Anh lớp 8 tới giờ còn dạy đoạn hội thoại bắt điện thoại bàn trong khi nhân loại đã tiến lên iPhone X rồi (mua đi ngon lắm). Bản thân tui tốn 8, 9 năm học tiếng Anh để order được ly cà phê trong khi với tiếng Thuỵ Điển tui tốn chừng 3, 4 tháng, lý do chính là hồi đó tui không có uống cà phê. #ahihi

Túm lại bằng một cái FAQ nhiều người hay hỏi

Làm sao để giỏi tiếng Anh?

Bạn muốn giỏi đến mức nào?

Làm sao để nói tiếng Anh giọng Mĩ?

Cố đừng nói giọng Anh. Mà giọng Mĩ cũng có giọng bang này bang kia, ý bạn là bang nào?

Làm sao để nói tiếng Anh trôi chảy?

Cố đừng nói lắp bắp. Mà tuỳ người nữa, bạn nói tiếng Việt cà lăm thì tiếng Anh cũng cà lăm thôi.


NGUY HIỂM! KHU VỰC NHIỀU GIÓ!
Khuyến cáo giữ chặt bàn phím và lướt thật nhanh khi đi qua khu vực này.
Chức năng này hỗ trợ markdown và các thứ liên quan.
vominhhieu1451010056 chém vào lúc

hồi nhỏ em đọc tiếng anh như tiếng việt, sau bao nhiêu năm tu hành cũng chả khá là bào :(

Bài viết cùng chủ đề

Viết cho tuổi 20

Bài viết mà thằng chả chém gió về tri túc các kiểu…

Vô chiêu thắng hữu chiêu

Code Đức

Là một developer tất nhiên bạn phải chuyên nghiệp với nghề của mình. Thế nhưng chuyên nghiệp là như thế nào? Và bạn, một developer, sẽ phải hành xử ra sao mới được xem là chuyên nghiệp?